Viêm Khớp Mãn Tính

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm khớp mãn tính là thể bệnh có tính chất dai dẳng, gây tổn thương sụn, xương dưới sụn và các mô bao quanh khớp. Đa số các trường hợp mắc bệnh lý này chịu tác động của yếu tố tuổi tác, gần như không thể điều trị khỏi và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp chữa trị và phòng ngừa bệnh là rất cần thiết.

Định nghĩa

Viêm khớp mãn tính (viêm khớp mạn tính) là bệnh lý làm các mô bao quanh khớp, mô sụn, xương dưới sụn tổn thương trong thời gian dài. Tình trạng bất thường này có thể xảy ra ở nhiều khớp (bệnh viêm đa khớp mãn tính), dù được chữa trị nhiều lần nhưng không thể khỏi dứt điểm.

Theo các báo cáo y tế, bệnh viêm khớp mãn tính chủ yếu xuất hiện ở độ tuổi trên 50 khi sức khỏe giảm sút, hệ cơ xương khớp bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, do lối sống sinh hoạt, đối tượng mắc bệnh lý này đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa, không ít bệnh nhân bị viêm khớp từ sớm (viêm khớp mãn tính thiếu niên).

Thể bệnh viêm khớp mãn tính được phân loại thành nhiều dạng như sau:

  • Viêm khớp dạng thấp: Bệnh xảy ra do rối loạn chức năng miễn dịch, tạo điều kiện cho kháng thể tấn công màng bao hoạt dịch, mô quanh khớp và sụn. Không chỉ gây đau nhức, bệnh còn làm mất cảm giác ngon miệng, cơ thể ớn lạnh, sốt… Viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, thường xuất hiện ở các khớp ngón tay, đầu gối, cổ tay, cổ chân.
  • Thoái hóa khớp: Thường gặp ở đối tượng trên 60 tuổi do sự lão hóa diễn ra mạnh, các khớp ngày càng thoái hóa, kèm theo viêm nhiễm. Lâu ngày bệnh làm xơ hóa, thay đổi cấu trúc hoặc bào mòn các mô sụn.
  • Gout: Xảy ra khi trong cơ thể có sự rối loạn sản xuất - đào thải axit uric. Khi muối urat ứ đọng tại ổ khớp sẽ gây sưng đỏ và khiến bệnh nhân đau nhức dữ dội.
  • Viêm khớp vảy nến: Là bệnh viêm khớp mãn tính hình thành do sự rối loạn chức năng miễn dịch, các yếu tố tự miễn tấn công ngược vào mô sụn. Viêm khớp vảy nến khiến người bệnh có triệu chứng của cả bệnh vảy nến và bệnh viêm khớp, dấu hiệu dễ bùng phát khi có các yếu tố ngoại sinh tác động.

Hình ảnh

Triệu chứng

Triệu chứng viêm khớp mãn tính tương đối đa dạng và có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí khớp bị bệnh. Phổ biến nhất là:

  • Đau nhức khớp: Có thể gặp triệu chứng này ở mọi thể bệnh viêm khớp mạn tính. Các cơn đau thường chỉ âm ỉ nhưng cũng có khi dữ dội, đột ngột.
  • Tê cứng khớp: Xảy ra do cấu trúc khớp đã bị tổn thương, người bệnh sẽ cảm nhận sự tê cứng rõ rệt khi vừa ngủ dậy. Một số trường hợp lâu ngày không vận động trở lại cũng gặp phải hiện tượng này.
  • Sưng đỏ ở khớp và vùng xung quanh: Khớp có hiện tượng tấy đỏ, nóng ran do đầu khớp bị cọ xát khi vận động làm các mô mềm xung quanh kích ứng gây viêm.
  • Vận động kém: Thời gian đầu bệnh nhân chỉ thấy đau nhức nhẹ, khó đi lại vận động. Tuy nhiên càng về sau thì triệu chứng càng rõ rệt, việc vận động khó khăn hơn, thậm chí bệnh nhân mất khả năng vận động tạm thời.

Ngoài những triệu chứng phổ biến như đau nhức, tê cứng, sưng đỏ khớp… người bệnh cũng có thể gặp các dấu hiệu như chán ăn, cơ thể mệt mỏi, uể oải...

Nguyên Nhân

Theo các chuyên gia xương khớp đầu ngành, nguyên nhân dẫn tới viêm đau khớp mãn tính rất đa dạng. Tuy nhiên, căn nguyên chủ yếu làm phát sinh thể bệnh này có liên quan trực tiếp đến rối loạn chuyển hóa, miễn dịch và quá trình thoái hóa:

  • Thoái hóa: Có liên quan trực tiếp đến tuổi tác, khiến chức năng vận động suy giảm, làm phát sinh phản ứng viêm. Do vậy, người cao tuổi là đối tượng dễ mắc viêm khớp mạn tính nhất.
  • Rối loạn miễn dịch: Đây là căn nguyên gây ra nhiều thể viêm khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến.
  • Rối loạn chuyển hóa: Tình trạng này có thể làm phát sinh bệnh gout - Một thể bệnh viêm khớp mạn tính rất phổ biến. Rối loạn chuyển hóa thường xuất hiện sau khi có tổn thương ở thận, ăn uống không khoa học, sử dụng thuốc lợi tiểu… Khi đó chức năng đào thải axit uric của cơ thể bị xáo trộn, làm các tinh thể này lắng đọng lại khớp.

Bên cạnh những yếu tố trên, tuổi tác, cân nặng, dinh dưỡng, vận động… cũng liên quan trực tiếp tới căn bệnh viêm khớp mạn tính.

Biến chứng

Mức độ nguy hiểm của viêm khớp mãn tính còn tùy thuộc vào từng thể bệnh cũng như đối tượng mắc. Trong đó thoái hóa khớp ít đe dọa sức khỏe nhất do là bệnh lành tính, chỉ xuất hiện khi thời tiết thay đổi hoặc vận động mạnh.

Trái lại, các thể bệnh mãn tính khác như gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hay bệnh liên quan đến yếu tố tự miễn… sẽ đe dọa biến chứng nguy hiểm. Cụ thể:

  • Biến dạng khớp, đe dọa nguy cơ tàn phế.
  • Ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thận, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi và khiến cho thận suy yếu.
  • Đe dọa nguy cơ loãng xương, khiến hệ cơ xương khớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
  • Gây nên tổn thương ở tim, phổi, thậm chí là biến chứng lên mắt, đường ruột.

Bên cạnh những biến chứng nguy hiểm, viêm khớp mãn tính còn tác động trực tiếp tới khả năng lao động, sinh hoạt, giấc ngủ của người bệnh. Vì vậy, có thể khẳng định đây là bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới sức khỏe, tinh thần, hoạt động sống của người bệnh.

Phòng ngừa

Viêm khớp mãn tính luôn kéo dài dai dẳng nên người bệnh cần chủ động chăm sóc sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng tránh. Cụ thể như sau:

  • Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, dành thời gian xoa bóp các khớp xương, nhất là thời điểm giao mùa.
  • Luôn giữ ấm cơ thể, chân tay vào mùa đông để tránh bị không khí lạnh tiếp xúc và gây co cứng cơ, khí huyết khó lưu thông.
  • Hạn chế đứng hoặc ngồi quá lâu vì có thể làm xương tê nhức, khó cử động.
  • Nên ăn uống điều độ, tăng cường rau xanh và các thực phẩm bổ sung vitamin D, canxi, Omega 3.
  • Giữ tâm lý lạc quan, tránh những suy nghĩ tiêu cực, không lao động quá sức. Việc stress có thể khiến ổ khớp viêm kích ứng nặng hơn.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra sức khỏe xương khớp, tránh để bệnh diễn biến nặng.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Viêm khớp mạn tính có nhiều thể khác nhau, do nhiều nguyên nhân gây nên. Để chẩn đoán chính xác bệnh lý này, trước tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử, triệu chứng bên ngoài, thói quen ăn uống, sinh hoạt, vận động. Sau đó người bệnh được thăm khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm cần thiết:

  • Thăm khám lâm sàng: Căn cứ vào các triệu chứng đặc trưng quan sát được bác sĩ sẽ khoanh vùng thể bệnh.
  • Các chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT, chụp X-Quang, siêu âm, PRI có thể được chỉ định. Qua hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xác định tổn thương ở mô sụn, cấu trúc khớp hay vùng màng bao hoạt dịch.
  • Xét nghiệm sinh hóa: Chẩn đoán này nhằm xác định số lượng bạch cầu, kháng thể cũng như tốc độ lắng của máu, qua đó phân biệt và xác định thể viêm khớp mãn tính bệnh nhân đang mắc phải.

Trong một số trường hợp khác, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, thận, lấy mẫu dịch khớp...

Biện pháp điều trị

Viêm khớp mạn tính là bệnh có tính chất dai dẳng, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Do vậy mọi biện pháp chỉ giúp kiểm soát triệu chứng, làm bệnh tiến triển chậm để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, qua đó phục hồi chức năng xương khớp.

Hiện nay Tây y đang áp dụng phác đồ điều trị viêm khớp mãn tính bằng thuốc kết hợp phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng thuốc, triệu chứng tiến triển nặng, ổ khớp bị tấn công gây tổn thương nghiêm trọng có thể sẽ cần can thiệp ngoại khoa.

Điều trị nội khoa bằng thuốc

Thuốc Tây có tác dụng kiểm soát triệu chứng, ngăn không cho bệnh tiến triển nặng hơn. Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Trong đó, hai nhóm thuốc cơ bản nhất là thuốc uống và thuốc tiêm:

  • Nhóm thuốc uống: Paracetamol, Corticosteroid, Colchicin, Sulfasalazine, thuốc chống viêm không chứa steroid,...hoặc một số loại thuốc ức chế tổng hợp axit uric, thúc đẩy đào thải những tinh thể này.
  • Nhóm thuốc tiêm: Corticosteroid, Axit hyaluronic hoặc thuốc sinh học được bào chế trên công nghệ gen. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể dùng thuốc tiêm, tùy thuộc vào từng thể trạng, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ cân đối liều lượng phù hợp.

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng xương khớp

Biện pháp này được thực hiện song song với sử dụng thuốc Tây để kiểm soát nhanh chóng triệu chứng bệnh, nâng cao chức năng vận động. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng xương khớp bao gồm các kỹ thuật sau:

  • Vật lý trị liệu thụ động: Đây là phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp mãn tính dưới sự tác động của một số thiết bị. Phổ biến nhất là điện trị liệu, thủy trị liệu, quang trị liệu, sóng siêu âm.
  • Kỹ thuật tập luyện chủ động: Là hình thức tự tập luyện theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu nhằm bảo tồn khả năng vận động. Đồng thời việc tập luyện chủ động cũng giúp giảm bớt nguy cơ biến chứng, ức chế tiến trình phát triển của bệnh.

Phẫu thuật khớp

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng thuốc, biện pháp trị liệu không hiệu quả, xương khớp tổn thương nghiêm trọng thì phẫu thuật sẽ là phương án cuối cùng. Hình thức phẫu thuật có mục đích chính là chỉnh hình cấu trúc ổ khớp, thay thế khu vực tổn thương bằng vật liệu nhân tạo.

Tùy thuộc vào thể bệnh viêm khớp mãn tính và tình trạng của thể của mỗi bệnh nhân bác sĩ sẽ có chỉ định phẫu thuật phù hợp. Trong đó một số biện pháp ngoại khoa thường được chỉ định là:

  • Làm sạch ổ khớp, cải thiện ngoài mô sụn.
  • Phẫu thuật thay khớp, khoan ổ khớp.
  • Cấy tế bào sụn.
  • Cải thiện bề mặt mô sụn, loại bỏ các tác nhân gây viêm tại ổ khớp.
  • Phẫu thuật loại bỏ u cục tophi (đối với bệnh gout).

Tuy nhiên cần lưu ý, phẫu thuật viêm khớp mạn tính thường tốn kém và tiềm ẩn rủi ro cao. Do vậy, nếu được chỉ định điều trị bằng biện pháp này bệnh nhân nên chuẩn bị tinh thần và viện phí đầy đủ.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Các mẹo dân gian tại nhà

Những mẹo dân gian có tính an toàn, tiện lợi, dễ thực hiện nên được nhiều người lựa chọn. Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian trị viêm khớp sau.

  • Lá ngải cứu: Dùng 200g - 300g lá ngải cứu tím rửa sạch, chờ ráo rồi đem đi sao vàng. Lấy ⅓ số ngải cứu vừa sao đun nóng với 2 chén rượu gạo, hỗn hợp thu được bọc vào vải xô và chườm lên vùng đau nhức đến khi nguội hẳn. Hai phần ngải cứu còn lại ngâm cùng rượu trắng trong 2 tuần để làm thuốc, khi có biểu hiện viêm sưng đau thì lấy ra thoa.
  • Lá lốt: Dùng khoảng 10 chiếc lá lốt phơi khô sau đó đun cùng 2 bát nước, đun trong lửa nhỏ cho đến khi lượng nước còn ½ thì dừng lại. Lượng nước thu được dùng sau bữa tối khi còn ấm, duy trì liên tục trong 10 ngày để thấy được hiệu quả.
  • Dây đau xương: Dùng 300 - 500g dây đau xương sao vàng, sau đó đem sắc cùng 500ml nước đến khi cạn còn 200ml, phần nước thu được dùng hết trong ngày.

Lưu ý: Mẹo dân gian chủ yếu sử dụng thảo mộc tự nhiên nên có dược lực thấp, bệnh nhân chỉ nên dùng để cải thiện triệu chứng, không nên quá phụ thuộc.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Hiện nay bệnh viêm đa khớp chưa có cách điều trị dứt điểm nhưng có thể kiểm soát và cải thiện bằng một số phương pháp như:

  • Thuốc Tây y: Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chứa corticoid
  • Vật lý trị liệu: Nhiệt trị liệu, Laser, sóng ngắn, hồng ngoại
  • Các bài thuốc dân gian từ: Cây xấu hổ, lá lốt, ngải cứu
Xem chi tiết

Các loại nước tốt cho xương khớp: Sữa, Nước cam ép, Trà gừng, Sữa đậu nành, Nước dâu tằm, Sữa nghệ...

Xem chi tiết

  • Những thực phẩm hỗ trợ giảm axit uric bao gồm trái cây, sữa, ngũ cốc, các cây họ đâu, rau xanh
  • Người bị tăng axit uric cần kiêng khem một số thực phẩm để tránh tăng cao mức axit uric. Cụ thể, tránh hải sản, thịt vịt, thịt đỏ, măng, giá đỗ, uống nhiều bia rượu, ăn hạt hướng dương, và tránh nội tạng của các loại động vật.
Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android